Nghiên cứu thành phần loài kiến (Hymenoptera: Formicidae) ở Hà Nội và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa lên các nhóm chức năng kiến

Kết quả phân tích các mẫu vật thu được bằng các phương pháp: bẫy mồi trên mặt đất, bẫy mồi chìm dưới đất, thu mẫu trực tiếp và thu mẫu bằng bẫy hố từ 7/2009 đến 12/2015 ở 77 điểm thu mẫu thuộc 21 quận huyện thuộc khu vực Hà Nội cho thấy đã xác định được 145 loài kiến, thuộc 53 giống, 9 phân họ, trong đó ba phân họ chiếm ưu thế nhất là Myrmicinae (18 giống, 66 loài); Formicinae (11 giống, 30 loài) và Ponerinae (11 giống, 27 loài). Kết quả nghiên cứu đã bổ sung 2 giống (Brachymyrmex Mayr, 1868 và Formosimyrma Terayama, 2009), 42 loài vào danh sách thành phần loài kiến Việt Nam và bổ sung 65 loài vào danh sách thành phần loài kiến ở Hà Nội. Các loài kiến thu được ở Hà Nội được xếp vào 9 nhóm chức năng: DD, OP, GM, CS, SC, SP, HCS, TCS và CCS, trong đó nhóm kiến cơ hội OP có số loài nhiều nhất (34 loài), tiếp đến là các nhóm CS (27 loài) và GM (26 loài). Nhóm cơ hội OP có số cá thể chiếm tỉ lệ cao nhất (51,7±23,1%), tiếp đến là nhóm cạnh tranh GM (30,0±21,1%), các nhóm chức năng còn lại đều có tỉ lệ cá thể dưới 10%. Có mối quan hệ tuyến tính âm có ý nghĩa thống kê giữa tỉ lệ % nhóm cạnh tranh (GM) và tỉ lệ % nhóm cơ hội (OP) trong khu vực nghiên cứu. Tỉ lệ nhóm cạnh tranh GM có xu hướng giảm dần từ sinh cảnh nông nghiệp (chưa bị đô thị hóa) đến sinh cảnh đang xây dựng (đang bị đô thị hóa) và thấp nhất là ở các sinh cảnh khu nhà ở đô thị và sinh cảnh không gian xanh đô thị (đã bị đô thị hóa). Ngược lại, tỉ lệ nhóm cơ hội OP lại có xu hướng tăng dần từ sinh cảnh nông nghiệp (chưa bị đô thị hóa) đến sinh cảnh đang xây dựng (đang bị đô thị hóa) và cao nhất là ở các sinh cảnh đã bị đô thị hóa (khu nhà ở đô thị và không gian xanh đô thị). Phân tích sự biến động của các nhóm chức năng kiến trong quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị ở khu vực dọc theo trục đường Lê Văn Lương (phía tây thành phố Hà Nội) cho thấy, trong quá trình đô thị hóa, tác động của con người có ảnh hưởng mạnh đến thành phần các nhóm chức năng kiến theo xu hướng: khi con người làm xáo trộn môi trường sống, đặc biệt là môi trường đất và thảm thực vật sẽ làm tỉ lệ nhóm cạnh tranh GM giảm mạnh và tỉ lệ nhóm cơ hội OP tăng cao; khi môi trường đất và thảm thực vật dần trở lại ổn định thì tỉ lệ nhóm cạnh tranh GM có xu hướng tăng dần và tỉ lệ nhóm OP có xu hướng giảm dần về trạng thái cân bằng. Do vậy ta có thể hướng tới việc nghiên cứu để sử dụng các nhóm chức năng kiến làm công cụ để đánh giá mức độ tác động của con người lên hệ sinh thái.
Title: Nghiên cứu thành phần loài kiến (Hymenoptera: Formicidae) ở Hà Nội và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa lên các nhóm chức năng kiến
Other Titles: The composition of ants (Hymenoptera: Formicidae) in Hanoi and the effect of urbanization on ant functioning groups
Authors: Bùi, Thanh Vân
Vũ, Xuân Trường
Nguyễn, Văn Quảng
Bùi, Tuấn Việt
Keywords: Formicidae,;Hà Nội;nhóm chức năng kiến;đô thị hóa.
Issue Date: 2017
Publisher: ĐHQGHN
Series/Report no.: Tập 33;Số 2S
Description: tr. 302-311
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/60705
ISSN: 2588-1140
Appears in Collections:Natural Sciences and Technology

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này