Áp dụng kết quả nghiên cứu văn hóa dân gian nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy văn học dân gian ở đại học và phổ thông trung học

Authors: Phạm, Thu Yến

Như một quy luật, càng tiếp cận và xử lý thông tin từ những hiện tượng riêng lẻ, các nhà khoa học nhận ra rằng họ càng xa rời hơn những qui ước làm việc ban đầu và mọi nỗ lực phân loại càng tiến gần hơn một sự thật đầy mai mỉa rằng đó chẳng qua là việc cố tình gắn lên đối tượng nghiên cứu những nhãn hiệu do tham vọng chốt chặt các lằn ranh mỏng manh của thế giới. Văn học dân gian, trước khi trở thành một đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, là một thành phần của “hỗn hợp” văn hoá dân gian và việc nghiên cứu văn học dân gian, trước khi trở thành một ngành khoa học độc lập, thuộc địa hạt của dân tộc học. Năm 1971, Dan Ben-Amos (03-9-1934), nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, giáo sư đại học Pennsylvania, Philadelphia (Hoa Kỳ), chỉ ra một thực tế khá trớ trêu trong nghiên cứu folklore khi ông cho rằng đối với các nhà nhân học và nhà nghiên cứu văn học “folklore trở thành một chủ đề ngoại lai, một đám cỏ xanh bên kia hàng rào rất hấp dẫn họ nhưng, than ôi, không nằm trong lĩnh vực của họ” và “trong khi các nhà nhân học coi folklore là văn học, thì các nhà nghiên cứu văn học lại định nghĩa nó là văn hoá” [6]. Trước đó một phần tư thế kỷ, nhà cấu trúc luận người Nga, Vladimir. Ia. Propp, trong bài nghiên cứu Đặc tính của folklore (1946) cho rằng “xét về cội nguồn thì folklore cần phải gần, không phải với văn học mà với ngôn ngữ”. Ở một đoạn khác, ông lại nhấn mạnh: “Tách khỏi dân tộc học thì không thể có cách tiếp cận duy vật đối với việc nghiên cứu folklore” [14] … Ở Việt Nam, PGS Đỗ Bình Trị cho rằng sự thiếu nhất quán và lúng túng trong cách tiếp cận văn học dân gian là do “tình trạng dở dang, không dứt điểm trong việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và sự phân tán ý kiến trong quan niệm về những vấn đề phức tạp của lý luận và phương pháp luận nghiên cứu folklore” [4]. Theo nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, “sự dao động trong quan niệm lý thuyết về đối tượng và chức năng của folklore học hiện nay thực chất là sự dao động giữa quan niệm folklore là folk culture được tiếp cận dưới giác độ thẩm mỹ với quan niệm folklore là một bộ phận trong văn hoá nói chung,…” [3]. Thực tế cho thấy, sự phát triển chuyên ngành hẹp trong khoa học, một mặt khẳng định tư cách phát triển độc lập của từng lãnh vực nghiên cứu nhưng đồng thời càng thúc đẩy sự quan tâm sâu sắc việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ liên ngành để tiến gần hơn các mục tiêu khoa học. Là một sản phẩm nghệ thuật ngôn từ của dân chúng, văn học dân gian không xa lạ với lĩnh vực giao tiếp của con người trong sự tổng hoà các mối quan hệ của đời sống xã hội - văn hoá. Nếu làm một sự tổng kết sơ bộ các đường hướng nghiên cứu văn học dân gian, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ học, nhân học văn hoá và tâm lí học hành vi là một sự phối hợp thích hợp cho những kì vọng đi đúng hướng và đạt những hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực nghiên cứu này...

Title: Áp dụng kết quả nghiên cứu văn hóa dân gian nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy văn học dân gian ở đại học và phổ thông trung học
Authors: Phạm, Thu Yến
Keywords: Văn học dân gian;Văn hóa dân gian;Chất lượng giảng dạy
Issue Date: 2005
Publisher: Đại học quốc gia Hà Nội
Description: tr. 75-77
URI: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/25244
Appears in Collections:Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo (LIC)
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này